Volume trong chứng khoán là gì? Sử dụng volume như nào cho hiệu quả?

Volume (Khối lượng giao dịch) là một trong hai yếu tố chính cùng với nến giá cấu thành nên biểu đồ giá của mọi mã cổ phiếu. Từ đó có thể thấy mức độ quan trọng của volume trong chứng khoán đối với nhà đầu tư. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về khái niệm, ý nghĩa và cách sử dụng volume một cách hiệu quả trong đầu tư chứng khoán. 

Volume trong chứng khoán là gì?

Volume (khối lượng giao dịch) trong chứng khoán là tổng số cổ phiếu được khớp lệnh trong phiên ngày hôm đó đối với một mã cổ phiếu hay một sàn chứng khoán cụ thể.

Một số nhà đầu tư sẽ hiểu lầm giữa khối lượng giao dịch và khối lượng cổ phiếu lưu hành. Khối lượng cổ phiếu lưu hành là toàn bộ cổ phiếu của một công ty được niêm yết trên sàn. Đây là một con số cố định và chỉ thay đổi khi doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu. Trong khi đó, số lượng cổ phiếu giao dịch là toàn bộ cổ phiếu được trao đổi, mua bán. Con số này có thể cao hơn so với lượng cố phiếu lưu hành do cổ phiếu có thể được giao dịch nhiều lần.

Ví dụ: Anh A có 100 cổ phiếu của công ty Y. Anh A tiến hành bán lại 100cp này cho anh B. Vậy số lượng cổ phiếu giao dịch lúc này là 100. Sau đó, anh B tiếp tục bán 100cp này cho một người C. Số lượng số phiếu giao dịch lúc này là 200cp. Tương tự như vậy, từ lượng cổ phiếu lưu hành ban đầu, có thể có rất nhiều cổ phiếu được giao dịch.
Khối lượng giao dịch (volume) của sàn và của cổ phiếu

VD: Khung màu vàng là tổng khối lượng giao dịch (volume) của sàn HOSE trong một phiên. Khung màu xanh là khối lượng giao dịch (volume) của từng cổ phiếu tương ứng bên trái.

Ý nghĩa của volume trong chứng khoán

Volume trong chứng khoán có ý nghĩa quan trọng đối với nhà đầu tư. Nó không chỉ thể hiện số lượng cổ phiếu được khớp lệnh trong phiên mà còn cho thấy nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư, xu hướng giá và tiềm năng cổ phiếu trong thời gian sắp tới.

Thể hiện nhu cầu giao dịch

Khi một cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp, nhiều nhà đầu tư sẽ cho rằng cổ phiếu này có vẻ không đủ tiềm năng. 

Điều trên là đúng nhưng chỉ là ở mức tương đối. Bởi vì khối lượng cổ phiếu giao dịch còn cần được xem xét cùng một số yếu tố khác để có đánh giá chính xác nhất. 

Ví dụ: Cổ phiếu ABC có khối lượng lưu hành là 200 triệu. Lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần đây là 10 triệu cổ phiếu/phiên. Trong khi đó, cổ phiếu XYZ hiện đang lưu hành 1 tỷ cổ phiếu. Và cũng có khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên tương đương như ABC. 

Nếu chỉ nhìn volume, có thể nghĩ rằng cổ phiếu ABC và XYZ có nhu cầu giao dịch bằng nhau. Tuy nhiên, nếu xem xét cả khối lượng cổ phiếu lưu hành thì nhận định này không hề đúng.

Nhà đầu tư có thể nhận thấy rằng khối lượng cổ phiếu lưu hành của XYZ gấp 5 lần ABC nhưng volume trung bình 10 phiên chỉ “ngang ngửa”. Từ đó có thể nói một cách tương đối chính xác hơn rằng cổ phiếu ABC thu hút nhà đầu tư hơn cổ phiếu XYZ.

Ngược lại, khi một cổ phiếu có khối lượng giao dịch rất cao thì cũng có 2 trường hợp:
  • Một là, cổ phiếu đang thu hút kỳ vọng rất lớn của nhà đầu tư khi ngành nghề kinh doanh được dự báo mang lại lợi nhuận lớn hoặc có một số tin tức vĩ mô tích cực cho doanh nghiệp. Trong trường hợp này, nhiều nhà đầu tư sẽ thực hiện việc “mua đuổi”. Và họ kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng mạnh, qua đó tạo ra thanh khoản lớn cho cổ phiếu.
  • Hai là, cổ phiếu đang có góc nhìn tiêu cực đến từ nhà đầu tư. Như lợi nhuận của ngành nghề kinh doanh dự báo giảm hoặc môi trường kinh doanh không thuận lợi. Trong trường hợp này, một số nhà đầu tư có xu hướng mua tích luỹ dài hạn với giá thấp hoặc có ý định bắt đáy, còn bên bán muốn bán với mọi giá để có thể “cắt lỗ”, từ đó tạo nên khối lượng giao dịch lớn trong nhiều phiên của cổ phiếu nào đó.

Xác định xu hướng giá cổ phiếu

Xác định xu hướng cổ phiếu bằng volume

Việc khối lượng giao dịch (volume) trong chứng khoán xác định xu hướng giá cổ phiếu chỉ là một phần. Vì khi cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn trong phiên, ta phải phân tích giá cổ phiếu được “đẩy lên” hay “đạp xuống” để có cái nhìn rõ ràng hơn về xu hướng giá cổ phiếu. 

Trong đó, đẩy giá cổ phiếu lên là tình trạng phiên giao dịch có các lệnh mua với khối lượng lớn vào nhiều thời gian khác nhau để cố ý nâng giá cổ phiếu, nhằm thu lợi cho bản thân. Tương tự vậy, giá bị “đạp xuống” là việc liên tục có các lệnh bán với khối lượng lớn nhằm đưa giá cổ phiếu về mức giá thấp nào đó mà họ muốn.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần phân tích khối lượng mua chủ động và bán chủ động. Mua chủ động là nhà đầu tư mua cổ phiếu với giá xác định trước để có lợi cho mình.

VD: Bên bán đặt bán cổ phiếu ABC với giá 22.00, khi đó giá thị trường là 21.90, nhà đầu tư mua cổ phiếu với giá 22.00 sẽ được xem là việc thực hiện mua chủ động. 

Tương tự ngược lại với mua chủ động sẽ là bán chủ động. Người đặt lệnh mua ở mức giá thấp hơn giá thị trường, khi đó một lệnh bán cổ phiếu với giá thấp hơn giá thị trường kia là lệnh bán chủ động.

Khi khối lượng mua chủ động cao hơn bán thì nhiều nhà đầu tư đang có nhu cầu mua lớn. Từ đó có thể phán đoán khả năng tăng giá tiếp tục của cổ phiếu khi cầu nhiều hơn cung.

Ngược lại, khi khối lượng bán chủ động nhiều hơn mua chủ động thì khả năng giá cổ phiếu sẽ tiếp tục đà giảm khi cung nhiều hơn cầu. Khi cổ phiếu có lượng mua và bán chủ động xấp xỉ nhau, có thể thấy tâm lý “giằng co” của nhà đầu tư. Và khiến giá cổ phiếu dao động biên độ lớn nhưng kết phiên về xấp xỉ với giá mở cửa.
“Giằng co” volume trong chứng khoán giữa phe mua và bán

VD1: Cổ phiếu BBB có khối lượng mua chủ động là 8 triệu cổ phiếu trên 10 triệu cổ phiếu. Có thể thấy nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu BBB với kỳ vọng tăng giá rất cao trong ngắn hạn.

VD2: Cổ phiếu CCC có lượng bán chủ động 23 triệu cổ phiếu trên tổng 25 triệu cổ phiếu. Cho thấy nhà đầu tư không kỳ vọng nhiều vào cổ phiếu trên trong ngắn hạn.

Đánh giá tiềm năng cổ phiếu

Rất khó để đánh giá được tiềm năng một cổ phiếu trong dài hạn thông qua khối lượng giao dịch. Bởi khối lượng giao dịch chỉ thể hiện khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu trong phiên. Và không có cổ phiếu nào có thể có volume thấp mãi hoặc cao mãi. Vào một lúc nào đó, nhà đầu tư sẽ ngừng mua hoặc ngừng bán. Qua đó tạo nên sự thấp đột ngột hay cao đột ngột của giá cổ phiếu. 

Nhưng chính vì điều này nên khối lượng giao dịch là một chỉ báo được rất nhiều nhà đầu tư lướt sóng tin dùng nhằm tối ưu lợi nhuận ngắn hạn.
So sánh 2 giai đoạn khối lượng giao dịch khác biệt

VD: Cổ phiếu trên có khối lượng giao dịch trong khung A thấp hơn rất nhiều so với khung B. Nghĩa là các nhà đầu tư ít bị thu hút bởi cổ phiếu trên trước đây. Và điều đó có nghĩa là trong khoảng B cổ phiếu trên được nhà đầu tư kỳ vọng rất lớn.

Cách sử dụng chỉ báo volume hiệu quả trong giao dịch

Làm sao để sử dụng hiệu quả chỉ báo volume trong chứng khoán ? Nhà đầu tư có thể sử dụng volume kèm với nến giá của cổ phiếu để có hiệu quả tốt. Vậy nên kết hợp hai yếu tố như thế nào ? 

Nhà đầu tư nên quan sát diễn biến nến giá và khối lượng giao dịch của các phiên. Qua đó để có thể đưa ra nhận định chính xác nhất về xu hướng trong thời gian sắp tới. Có các trường hợp như sau:

Trường hợp nến giá tăng/giảm với biên độ lớn và khối lượng giao dịch cao
  • Trong trường hợp này, nếu nhà đầu tư xác định được khối lượng mua chủ động lớn trong phiên. Nhà đầu tư vẫn nên theo dõi thêm một thời gian để xác nhận được xu hướng đúng sắp tới. Tuy lợi nhuận có thể giảm một chút nhưng sẽ an toàn hơn rất nhiều.
  • Ngược lại khi khối lượng bán chủ động cao hơn rất nhiều so với mua chủ động. Nhà đầu tư có thể xem xét xem giá cổ phiếu đã tới ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn hay chưa ? Qua đó đưa ra quyết định bán bớt cổ phiếu và chờ một điểm mua hợp lý.
Nến giá dao động lớn và khối lượng giao dịch (volume) cao

Trường hợp nến giá tăng/giảm với biên độ lớn cộng với khối lượng giao dịch thấp:
  • Nếu giá cổ phiếu tăng hoặc giảm biên độ lớn mà khối lượng giao dịch thấp. Nhà đầu tư không nên đưa ra quyết định quá vội vàng. Bởi điều này cho thấy không có sự đồng thuận tăng giá của nhiều nhà đầu tư. Do đó, giá cổ phiếu có thể tăng không bền vững mà chỉ được 1-2 phiên.
  • Khi nến giá giảm với biên độ lớn mà khối lượng giao dịch thấp. Nhà đầu tư cũng không nên quá lo lắng vì khối lượng bán thấp sẽ không nói lên nhiều điều. Tuy nhiên, bạn cũng nên cẩn thận xem xét có cắt qua đường hỗ trợ hay không? Khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên gần nhất ra sao? Từ đó, có thể đưa ra quyết định đúng đắn hơn.
Biên độ dao động lớn và khối lượng giao dịch khá thấp

Trường hợp Nến giá tăng/giảm với biên độ lớn nhưng kết phiên về mức giá gần bằng giá mở cửa cộng với khối lượng giao dịch lớn:

Nến giá tăng hoặc giảm với biên độ nhỏ cho thấy sự “giằng co” đến từ phe mua và bán. Bên bán không chấp nhận bán với mức giá thấp hơn. Và bên mua cũng cân nhắc với mức giá hợp lý nhất có thể. Nhà đầu tư nên phân tích rõ mức giá vốn trên có thực sự phù hợp hay chưa ? Đã đến mức lợi nhuận kỳ vọng thì có thể “chốt lời” hoặc ngược lại là “cắt lỗ”.
Biên độ dao động lớn nhưng kết phiên gần bằng giá mở cửa và khối lượng giao dịch (volume) cao

Nến giá tăng/giảm với biên độ nhỏ (sideway) cộng với khối lượng giao dịch nhỏ:
  • Nếu nến giá và khối lượng giao dịch xảy ra trường hợp trên, nhà đầu tư có thể không cần lưu tâm quá nhiều vì khớp lệnh ở mức khối lượng thấp trong trạng thái “giằng co” về giá không có quá nhiều tín hiệu cho việc mua/bán cổ phiếu trong ngắn hạn.
  • Trường hợp trên khi nến giá dao động với biên độ nhỏ và thêm vào đó là khối lượng giao dịch thấp cho nhà đầu tư tín về sự ảm đạm của thị trường hay một nhóm ngành cổ phiếu nào đó. Nhà đầu tư có thể quan sát thêm một số phiên và có thể chuyển sang nhóm ngành cổ phiếu khác nếu đó chỉ là hiện tượng riêng của một nhóm ngành, còn nếu đó là hiện tượng của toàn thị trường, nhà đầu tư nên phân tích những thông tin vĩ mô sắp tới và dự đoán nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Và thêm vào đó, có một góc nhìn về khối lượng và nến giá bạn nên biết để có thể tối ưu hóa lợi nhuận khi đầu tư. Đó là một “chiêu trò” của “cá mập” khi họ nắm số lượng rất lớn cổ phiếu và có thể tạo ra tín hiệu khối lượng giả nhằm thu hút nhà đầu tư để họ bán khi giá đã lên cao. Thắc mắc là tại sao họ lại nắm số lượng lớn cổ phiếu như vậy, có thể họ đã có sẵn trong tài khoản khi là một cổ đông lớn của doanh nghiệp, hoặc có thể sau một quá trình “gom hàng” dài hạn thì họ có được số lượng cổ phiếu đủ nhiều để “thao túng” cổ phiếu đó. 

Sau một khoảng thời gian “dìm giá” cổ phiếu thì nhà đầu tư không còn đủ kiên nhẫn cho cổ phiếu đó và họ muốn bán ra. Khi đó lượng giao dịch là thấp vì “tay to” muốn mua giá thấp hơn nên sẽ “gom” nhiều phiên. Cho đến khi đủ số lượng cổ phiếu, họ bắt đầu thực hiện một phiên “break out”. Phiên này với khối lượng rất lớn và cổ phiếu tăng giá rất mạnh. Đây có thể là điểm mua dành cho nhà đầu tư mạo hiểm nếu chưa xét đến các yếu tố nội tại của doanh nghiệp mà dựa quá nhiều vào yếu tố kỹ thuật trên. 
“Tay to” thực hiện “gom hàng” để đẩy giá cổ phiếu

Nên phân biệt khối lượng giao dịch phải đi với sự đồng thuận tăng giá của nhiều nhà đầu tư. Một điều quan trọng là đặt ra mức độ “chốt lời” hợp lý tránh bị các “tay to đánh úp”.

Bài viết đã nêu lên khái niệm, ý nghĩa và cách thức sử dụng chỉ báo volume (khối lượng giao dịch) trong chứng khoán. Qua đó giúp nhà đầu tư có thể hiểu chi tiết và đưa ra các quyết định đầu tư.

Nguồn: dnse
Tags: Phân Tích Kỹ Thuật

Đăng nhận xét

Bài viết liên quan