Mô hình nến Nhật đảo chiều là gì?
Mô hình nến Nhật là công cụ mô tả sự chuyển động của giá. Đây là công cụ quan trọng trong phân tích kỹ thuật đối với các nhà đầu tư. Nó cung cấp những thông tin về biến động tỷ giá và phản ánh tâm lý của nhà đầu tư trong một đơn vị giao dịch.
Mô hình nến Nhật đảo chiều là mẫu nến báo hiệu xu hướng có khả năng thay đổi (ví dụ từ tăng sang giảm hoặc đi ngang hoặc từ giảm sang tăng hoặc đi ngang).
Có hai mô hình đảo chiều là mô hình nến đảo chiều tăng và mô hình nến đảo chiều giảm. Mô hình nến đảo chiều tăng dự báo sự kết thúc của một xu hướng giảm. Ngược lại, mô hình nến đảo chiều giảm báo hiệu sự kết thúc của một xu hướng tăng.
Các mô hình nến Nhật đảo chiều tăng mạnh
Dragonfly Doji
Mẫu nến Doji là mô hình được sử dụng thường xuyên trong phân tích kỹ thuật. Nến có thân rất nhỏ, gần như là một đường kẻ ngang. Nó thể hiện sự lưỡng lự giữa mua và bán, là một trong những mẫu nến đảo chiều mạnh phổ biến nhất. Có nhiều dáng nến Doji xuất hiện ở những vị trí khác nhau trong xu hướng giá và cho những dự báo tương ứng.
Nến Dragonfly Doji hay Doji chuồn là một mô hình nến Doji có hình dạng như một con chuồn chuồn. Nến có bóng dưới dài, bóng trên hầu như không có. Nó được hình thành khi giá đóng cửa bằng giá mở cửa và là mức giá cao nhất trong phiên.
Ví dụ:
|
Mẫu nến Dragonfly Doji |
Bóng dưới dài cho thấy lượng bán trong phiên rất lớn và kéo giá xuống thấp. Nhưng lực mua vẫn mạnh và đẩy giá trở lại vào cuối phiên, khiến giá đóng cửa trở về bằng lúc mở cửa. Bên mua đã chiếm được ưu thế, dự báo sự hình thành của một xu hướng tăng giá mạnh.
Tuy nhiên tín hiệu tăng nên được xác nhận bởi cây nến theo sau nến Dragonfly Doji. Nếu nến sau đóng cửa với mức giá cao hơn giá đóng cửa của Dragonfly Doji, việc giá đảo chiều sẽ đáng tin cậy hơn.
Bullish Engulfing
Mô hình Bullish Engulfing, hay còn gọi là mô hình Nhấn chìm tăng bao gồm 2 nến ngược nhau. Trong đó, nến sau (nến tăng giá) sẽ lớn hơn, bao trùm lên nến trước (nến giảm giá). Nến sau có giá mở cửa thấp hơn giá đóng cửa của nến trước. Đồng thời giá đóng cửa của nến sau phải cao hơn nến trước.
Ví dụ:
|
Nến Bullish Engulfing ở biểu đồ nến cổ phiếu VHC |
Cây nến đứng trước thể hiện sự kiểm soát của bên bán theo xu hướng giảm trước đó. Nhưng đến phiên sau, bên mua khống chế lại đà giảm và cố gắng đẩy giá lên cao. Dễ thấy, trong mô hình Bullish Engulfing, bên mua đã chiếm hoàn toàn ưu thế, tạo thành xu hướng đảo chiều tương đối rõ nét. Tín hiệu đảo chiều sẽ càng mạnh nếu nến giảm phía trước là một cây nến Doji.
Hammer
Mô hình nến Hammer có hình dạng như một cây búa với thân nến nhỏ. Bóng nến dưới rất dài, thường gấp từ 2 đến 3 lần thân nến và bóng nến trên hầu như không có.
Sự xuất hiện của nến Hammer báo hiệu nhu cầu bán đã giảm. Lực mua đã dần áp đảo trở lại và khống chế, đẩy giá lên cao. Tín hiệu đảo chiều sẽ rõ nét hơn nếu bóng nến Hammer rất dài và cây nến tiếp theo là một cây nến tăng.
Để chắc chắn, nhà đầu tư có thể kết hợp với thanh khối lượng tương ứng với nến Hammer. Nếu khối lượng mua vào ở mức trung bình hoặc cao, dấu hiệu đảo chiều sẽ càng mạnh mẽ.
Ví dụ:
|
Nến Hammer ở biểu đồ nến cổ phiếu ACB |
Inverted Hammer
Nến Inverted Hammer hay Búa ngược là mô hình nến đơn có thân nến nhỏ. Khi đó, giá mở cửa, giá thấp nhất và giá đóng cửa gần bằng nhau. Ngoài ra, bóng nến trên có chiều dài ít nhất gấp đôi chiều dài của thân nến.
Ví dụ:
|
Nến Inverted Hammer ở biểu đồ nến cổ phiếu GAS |
Sau một xu hướng giảm giá, nến Inverted Hammer xuất hiện là dấu hiệu của sự lưỡng lự ở nhà đầu tư. Lúc này, giá đã giảm đến mức bên mua có thể chấp nhận mua vào mạnh. Điều này khiến giá tăng lên mạnh mẽ thể hiện qua bóng nến trên rất dài. Tuy nhiên, lực bán vẫn còn và đẩy giá xuống gần với giá mở cửa.
Bóng nến trên dài cho thấy nhu cầu của bên mua tăng lên, dự báo giá có xu hướng tăng. Nhưng để xác nhận sự đảo chiều, nhà đầu tư nên chờ xem nến tiếp theo có phải nến tăng mạnh hoặc có khoảng nhảy giá tăng hay không.
Morning Star
Mô hình nến Morning Star hay nến sao Mai là một mô hình gồm 3 nến chính, thường xuất hiện ở cuối xu hướng giảm. Trong đó, cây thứ nhất là nến giảm tiếp nối xu hướng trước đó. Nến thứ hai có thân nhỏ hoặc gần như không có, có thể là nến Doji hoặc Hammer. Cuối cùng là một cây nến tăng.
Ví dụ:
|
Mẫu nến Morning Star |
Cây nến đầu vẫn nằm trong xu hướng giảm cho thấy bên bán đang chiếm lợi thế khiến giá không ngừng giảm xuống. Nến thứ hai thể hiện sự lưỡng lự khi bên bán không muốn bán nữa còn bên mua lại bắt đầu gia nhập thị trường nhiều hơn. Cuối cùng, bên mua giành lại được lợi thế và bắt đầu đẩy giá lên. Đây là dấu hiệu cho một xu hướng đảo chiều mạnh mẽ. Tín hiệu sẽ rõ nét hơn nếu nến thứ hai nằm trong vùng hỗ trợ.
Tweezer Bottom
Mô hình nến Tweezer Bottom hay mô hình Đáy nhíp là mô hình gồm 2 nến ngược chiều. Trong đó, nến thứ nhất là một nến giảm có giá đóng cửa gần với giá thấp nhất trong phiên. Nến thứ hai có giá mở cửa bằng với mức đóng cửa của phiên trước nhưng giá ngay lập tức tăng mạnh cho đến khi hết phiên.
Ví dụ:
|
Nến Tweezer Bottom ở biểu đồ nến cổ phiếu MSN |
Nến Tweezer Bottom hình thành trong xu hướng giảm giá nên giá đóng cửa trong phiên đầu sẽ gần với mức giá thấp nhất. Nhưng trong phiên sau, tâm lý thị trường thay đổi, phe mua có dấu hiệu phục hồi và áp đảo phe bán. Đây là báo hiệu sự hình thành của một xu hướng tăng giá trở lại.
Piercing Pattern
Mô hình Piercing Pattern (nến Đường nhọn) gồm 2 nến ngược chiều xuất hiện ở đáy xu hướng giảm. Trong đó, nến đầu là nến giảm và có thân dài. Tiếp theo là một nến tăng có giá mở cửa thấp hơn giá đóng cửa của nến trước. Đồng thời mức giá đóng cửa của nến này phải nằm trên ít nhất một nửa nến trước.
Ví dụ:
|
Nến Piercing Pattern ở biểu đồ nến cổ phiếu GAS |
Sau một xu hướng giảm, lực bán đã yếu dần và bên mua lấy lại được lợi thế. Càng về cuối phiên thứ hai, giá càng được đẩy lên, báo hiệu một xu hướng tăng mới. Nếu nến tiếp theo giữ được trạng thái tăng giá, dấu hiệu đảo chiều càng được khẳng định.
Các mô hình nến đảo chiều giảm mạnh
Gravestone Doji
Nến Gravestone Doji (nến Doji Bia mộ) là mô hình nến Doji có hình dạng trái ngược với nến Dragonfly Doji. Nến có bóng trên dài, bóng dưới hầu như không có. Khi đó, giá đóng cửa bằng giá mở cửa và là mức giá thấp nhất trong phiên.
Ví dụ:
|
Nến Gravestone Doji ở biểu đồ nến cổ phiếu VCB |
Mô hình nến Gravestone Doji hình thành khi bên mua chiếm ưu thế ngay từ khi thị trường mở cửa và đẩy giá lên cao. Song, bên bán xuất hiện và cố gắng kéo giá giảm trở về mức mở cửa. Đây là dấu hiệu dự báo một xu hướng giảm giá mạnh. Bóng trên của nến Gravestone Doji càng dài dự báo việc đảo chiều xu hướng diễn ra càng mạnh.
Bearish Engulfing
Mô hình Bearish Engulfing, hay mô hình Nhấn chìm giảm bao gồm 2 nến ngược nhau. Trong đó, nến sau (nến giảm giá) lớn hơn, bao trùm lên nến trước (nến tăng giá). Giá mở cửa của nến sau cao hơn giá đóng cửa của nến trước. Đồng thời giá đóng cửa của nến sau phải thấp hơn nến trước.
Ví dụ:
|
Nến Bearish Engulfing ở biểu đồ nến cổ phiếu SAB |
Cây nến tăng đứng trước thể hiện sự kiểm soát của bên mua làm giá tăng. Nhưng áp lực bán tăng mạnh khiến bên bán vượt qua bên mua để đẩy giá xuống thấp hơn. Trong mô hình Nhấn chìm giảm, bên bán chiếm được ưu thế và tiếp tục xu thế này trong những phiên tiếp theo, dự báo sự đảo chiều rõ nét của giá. Mô hình sẽ hiệu quả hơn nữa nếu nến đứng trước là một nến Doji.
Hanging Man
Mô hình nến Hanging Man có hình dạng tương tự nến Hammer nhưng xuất hiện ở đỉnh xu hướng tăng. Thân nến nhỏ, bóng nến dưới rất dài, thường gấp từ 2 đến 3 lần thân nến và bóng nến trên hầu như không có. Khi đó, lực bán rất mạnh trong hầu như cả phiên. Nhưng lực mua đã dần áp đảo trở lại và khống chế giá về gần mức mở cửa.
Ví dụ:
|
Mẫu nến Hanging Man |
Để xác nhận dấu hiệu đảo chiều cần dựa vào khối lượng giao dịch tương ứng. Nếu nến Hanging Man có khối lượng giao dịch đi kèm ở mức trung bình đến cao và theo sau là một nến Shooting Star với khối lượng giao dịch cao thì sự thay đổi của giá được khẳng định.
Shooting Star
Nến Shooting Star (nến Bắn sao) có thân nến nhỏ, bóng nến trên dài gấp 2, 3 lần thân nến trong khi bóng nến dưới hầu như không có. Đây là một trong các mẫu nến đảo chiều mạnh tiêu biểu nhất. Khi này bên mua đang chiếm ưu thế và đẩy giá lên cao khiến bóng nến trên dài. Nhưng do bên bán mạnh hơn nên khi hết phiên, mức giá bị kéo về gần mức mở cửa.
Mô hình này có hình dáng tương đồng với mô hình nến Inverted Hammer tuy nhiên vị trí xuất hiện của 2 nến là khác nhau. Nến Shooting Star xuất hiện ở đỉnh xu hướng tăng. Trong khi đó, nến Inverted Hammer xuất hiện ở cuối xu hướng giảm.
Ví dụ:
|
Mẫu nến Shooting Star |
Cần lưu ý nến Shooting Star không cho dấu hiệu đảo chiều ngay lập tức mà chỉ báo hiệu tiềm năng của sự thay đổi. Để xác nhận sự đảo chiều cần kết hợp với khối lượng giao dịch tại nến đó. Trong xu hướng tăng giá, một cây Shooting Star có khối lượng giao dịch dưới mức trung bình có thể chỉ là báo hiệu sự tạm dừng và giá có thể tăng trở lại. Nhưng khi cây nến Shooting Star thứ hai xuất hiện với tỷ lệ tương tự và khối lượng giao dịch lớn hơn, đây sẽ là xác nhận cho sự suy yếu thật sự của giá.
Evening Star
Mô hình nến Evening Star hay nến sao Hôm xuất hiện ở đỉnh xu hướng tăng với 3 nến chính. Trong đó, cây thứ nhất là nến tăng mạnh tiếp nối xu hướng tăng trước đó. Nến thứ hai có thể là nến Doji hoặc Hammer, với phần thân nhỏ hoặc gần như không có. Cuối cùng là một cây nến giảm.
Ví dụ:
|
Nến Evening Star ở biểu đồ nến cổ phiếu SSI |
Nến đầu nằm trong xu hướng tăng, bên mua kiểm soát thị trường, giá đang theo đà tăng nhanh. Nến thứ hai thể hiện sự lưỡng lự của nhà đầu tư, là dấu hiệu của sự đảo chiều. Cuối cùng, lực bán gia tăng đã kéo mức giá xuống mạnh mẽ. Cây nến thứ ba có chiều dài càng lớn thì lực đảo chiều càng mạnh.
Tweezer Top
Mô hình nến Tweezer Top hay mô hình Đỉnh nhíp là mô hình gồm 2 nến ngược chiều. Trong đó, nến thứ nhất có giá đóng cửa gần với mức giá cao nhất trong phiên. Cây nến thứ hai bắt đầu với giá mở cửa ở mức đóng cửa của phiên trước nhưng giá lập tức giảm mạnh cho đến khi hết phiên.
Ví dụ:
|
Nến Tweezer Top ở biểu đồ nến cổ phiếu TCB |
Mô hình Tweezer Top hình thành trong xu hướng tăng giá, giá đóng cửa gần với mức giá cao nhất. Tuy nhiên trong phiên thứ hai, nhà đầu tư đã đổi ý và tìm cách dìm giá xuống. Xu hướng tăng giá trước đó đã bị đảo chiều, báo hiệu sự hình thành của một xu hướng giảm.
Lưu ý khi giao dịch với mô hình nến đảo chiều mạnh
Chú ý khi vào lệnh
Bạn cần kiên nhẫn chờ đợi mô hình đảo chiều hoàn thành trước khi quyết định vào lệnh. Trong một số trường hợp như mô hình Dragonfly Doji hay Inverted Hammer, bạn cần đợi thêm một nến nữa để có thể khẳng định xu hướng đảo chiều. Điều gì cũng có thể xảy ra trước khi phiên giao dịch kết thúc, vì vậy bạn nên tỉnh táo và bình tĩnh để có thể vào lệnh đúng lúc và tránh được nhiều rủi ro.
Đặt mức cắt lỗ
Đặt mức cắt lỗ là cần thiết để bạn phòng tránh những trường hợp bất ngờ luôn có thể xảy ra trên thị trường chứng khoán. Vị trí cắt lỗ trong các mô hình nến đảo chiều mạnh nên gần với đỉnh hoặc đáy của mô hình đó.
Lưu ý khi chốt lời
Nếu muốn chốt lời với mức giá tối thiểu, bạn nên chọn mức giá dựa vào các vùng hỗ trợ hay kháng cự. Tuy nhiên, khi mô hình nến đảo chiều xuất hiện, xu hướng giá có thể thay đổi rất mạnh mẽ. Vì thế để đạt được lợi nhuận cao hơn, bạn nên sử dụng kết hợp các quy tắc kỹ thuật khác.
Kết hợp với các công cụ khác
Để đảm bảo an toàn trong giao dịch, bạn nên kết hợp sử dụng những mẫu nến đảo chiều mạnh với các công cụ phân tích kỹ thuật khác để khẳng định tín hiệu đảo chiều. Trước hết, một số mô hình nến Nhật có thể kết hợp với khối lượng giao dịch để xác nhận xu thế đảo chiều. Ngoài ra có thể sử dụng các chỉ báo chứng khoán như RSI, đường MACD hay các mô hình khác như mô hình vai đầu vai, mô hình 2 đỉnh, mô hình 2 đáy.
Nghiên cứu những mẫu nến đảo chiều mạnh là cơ sở để nhà đầu tư dự đoán xu hướng của thị trường và tìm được thời điểm đầu tư hợp lý. Hi vọng sau bài viết này, bạn đã có thêm nhiều thông tin hữu ích về đồ thị nến Nhật và áp dụng thành công trong hành trình đầu tư của mình.
Đăng nhận xét