Masayoshi Son từng lãi và lỗ hàng chục tỷ USD khi đầu tư vào các startup. Một số cho rằng ông là người có tầm nhìn xa trông rộng, số khác ví ông như một gã cờ bạc gặp may.
|
Tỷ phú Masayoshi Son gặt hái không ít thành công nhưng cũng lắm khi nếm mùi thất bại. (Ảnh: Business Insider). |
Nghị lực phi thường
Masayoshi Son lớn lên trong cảnh nghèo khó. Đó có lẽ là lý do giải thích cho sự liều lĩnh và khao khát chứng tỏ bản thân của vị tỷ phú Nhật Bản.
Son sinh năm 1957 trong một gia đình Hàn Quốc nhập cư thế hệ thứ hai tại Nhật Bản. Cả gia đình sống trong căn nhà tạm bợ trên khu đất không được đăng ký gần nhà ga. Ước ao thay đổi số phận, Son nỗ lực đặt chân tới Đại học California tại Mỹ, nơi ông tận mắt chứng kiến cuộc cách mạng máy tính.
Tại đây, ông cũng thực hiện thương vụ kinh doanh thành công đầu tiên với việc phát triển một bộ tổng hợp giọng nói (speech synthesis) với sự giúp đỡ của một nhóm kỹ sư của Đại học California do Giáo sư Forrest Mozer dẫn dắt.
Ông bán thiết bị đó cho Sharp và bỏ túi khoản tiền riêng gần 1 triệu USD. Trong một cuộc trò chuyện với nợ, Giáo sư Mozer từng nói về Son: “Một ngày nào đó, cậu ta sẽ sở hữu cả nước Nhật”.
Thành công lớn, thất bại nhiều
Son quay trở về Nhật Bản sau khi tốt nghiệp vào năm 1980 và thành lập SoftBank một năm sau. Ban đầu, mục tiêu của Son là tìm cách thay đổi xã hội bằng phần mềm.
Vào giữa thập niên 1990, cách nhanh nhất để Son đạt được mục đích đó là đầu tư vào các công ty internet. SoftBank rót hàng tỷ USD vào hàng trăm startup internet. Một số như Yahoo! tăng trưởng vượt bậc và đem về lợi nhuận gấp hàng trăm lần. Ví dụ, khoản đầu tư 100 triệu USD của SoftBank vào Yahoo! sau ba năm được định giá hơn 30 tỷ USD.
Số ít chiến công vang dội đã giúp bù đắp cho hàng loạt thất bại khác của SoftBank. Son đặt cược mạnh vào các startup trực tuyến đến mức ông được đặt biệt danh là “Quý ngài internet”.
Tài sản ròng của Son tăng chóng mặt cùng cơn sốt cổ phiếu công nghệ, nhưng tất cả đổ sụp khi bong bóng vỡ. Nhiều ước tính cho rằng tài sản của ông lao dốc đến 70 tỷ USD trong năm 2000.
Son kể lại với Bloomberg TV: “Một năm trước đó, tài sản cá nhân của tôi tăng 10 tỷ USD mỗi tuần. Có ba ngày tôi giàu hơn cả Bill Gates. Nhưng trước khi tôi kịp đi khoe thì các cổ phiếu của chúng tôi bắt đầu rớt thảm… SoftBank suýt nữa phá sản. Nhưng bằng cách nào đó, tôi đã sống sót”.
Không nản lòng, Son ngay lập tức gầy dựng lại cơ đồ. Ông tìm kiếm những cơ hội mới, bao gồm rót vốn vào các công ty dịch vụ băng thông rộng vào đầu những năm 2000, mua lại Sprint với giá 20 tỷ USD vào năm 2013 và mua nhiều công ty chế tạo robot vào năm 2017.
Hơn một thập kỷ sau khi bong bóng dot-com đổ vỡ, SoftBank gặt hái thành quả nhờ khoản đầu tư sớm vào Alibaba. Sau khi công ty thương mại điện tử Trung Quốc này lên sàn vào năm 2014, khoản đầu tư 20 triệu USD của SoftBank có trị giá gần 75 tỷ USD.
Vào năm 2017, Son tin rằng trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật sẽ trở thành làn sóng lớn tiếp theo. Và để cưỡi trên con sóng đó, ông quyết định thành lập quỹ đầu tư trị giá 100 tỷ USD với tên Vision Fund để mua nhiều công ty công nghệ xán lạn nhất có thể.
Các nhân viên của Son vô cùng lo ngại, không chỉ vì khó khăn khi huy động vốn. Nỗi lo lớn nhất của họ là không tìm đủ doanh nghiệp tốt để đầu tư. Họ tìm cách thuyết phục Son từ bỏ ý tưởng, nhưng ông không chịu.
Bằng khả năng thuyết phục tài tình, Son tập hợp được 100 tỷ USD tiền đầu tư từ Arab Saudi, UAE và Apple - tuy bị Warren Buffett từ chối.
Tuy nhiên, điều mà các nhân viên SoftBank lo sợ đã thành sự thật. Vision Fund có quá nhiều vốn mà cơ hội đầu tư tốt quá ít, kết quả là họ lãng phí tiền vào những doanh nghiệp không xứng đáng, tiêu biểu là WeWork.
Son đổ 14 tỷ USD vào startup cho thuê không gian làm việc chung này vì bị thu hút bởi nhà sáng lập Adam Neumann, người cũng có tham vọng lớn như ông là thay đổi thế giới. Rốt cuộc, WeWork đã có màn sụp đổ hoành tráng vào năm 2019.
May mắn hay kỹ năng?
Theo tờ Reuters, những thất bại của Masayoshi Son khiến không ít người ngờ rằng ông gặp may chứ không có kỹ năng thực thụ.
Họ lập luận rằng bàn thắng lớn của SoftBank vào cổ phiếu công nghệ Mỹ là nhờ vào sức mạnh của đồng yen giữa thập niên 1990. Khi đồng USD phục hồi sau đó, các khoản đầu tư bằng yen vào nước Mỹ hưởng lãi lớn nhờ tỷ giá.
Và tới năm 2000, Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên đặt lãi suất chính sách ở mức 0. Việc đầu tư thành công trở nên dễ dàng hơn nhiều với nguồn vốn miễn phí.
Sở thích dùng đòn bẩy của Son cũng được coi là dấu hiệu của một kẻ cơ hội liều lĩnh. SoftBank có đòn bẩy tài chính cao và từng vài lần bị xếp vào top 10 công ty nặng nợ nhất thế giới.
Quả thực Son được hưởng lợi nhiều từ các điều kiện kinh tế vĩ mô. Nhưng cái giỏi của ông là phát hiện chính xác các xu hướng lâu dài như sự phát triển bùng nổ của máy tính, băng thông rộng ở Nhật Bản, thương mại điện tử Trung Quốc và sau đó hậu thuẫn cho những công ty có thể dẫn đầu sự thay đổi.
Son hiểu rằng việc chọn đúng xu hướng cũng đáng giá không kém việc chọn cổ phiếu, nếu xu hướng là đủ lớn. AI có thể là một ví dụ khác cho thấy bản năng của Son là chính xác, dù ông bỏ lỡ những cái tên tăng trưởng ngoạn mục như ChatGPT và Nvidia.
Một trong những lý do là Son đã hành động quá sớm. Khi Vision Fund dư dả vốn, các công ty AI thường có quy mô nhỏ, vẫn đang trong giai đoạn ban đầu hoặc không được công chúng biết đến. Và trong đại dịch, Son mắc kẹt ở Tokyo và không thể đi khám phá các doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, một khoản đầu tư AI của Son đã thành công mỹ mãn. Đó là thương vụ mua lại nhà sản xuất chip Arm của Anh vào năm 2016. Với công ty này, Son có tham vọng chuyển đổi SoftBank thành một tập đoàn AI lớn. Tập đoàn đặt mục tiêu ra mắt nguyên mẫu chip AI vào năm 2025.
Một khi hệ thống sản xuất quy mô lớn được thành lập, mảng kinh doanh chip AI có thể đem về cho SoftBank và Son hàng tỷ USD lợi nhuận.
Theo: Doanh nghiệp & Kinh doanh
Đăng nhận xét