Xếp hạng tín nhiệm Việt Nam dưới góc nhìn các chuyên gia

Sáng 18/9, tại Hà Nội, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Tọa đàm Xếp hạng tín nhiệm quốc gia và quan hệ nhà đầu tư nhằm lắng nghe kinh nghiệm, khuyến nghị về công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia và quan hệ với nhà đầu tư. Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại chủ trì Tọa đàm.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại phát biểu khai mạc

Việt Nam đang tiến gần mục tiêu đạt định mức tín nhiệm “Đầu tư” vào năm 2030

Phát biểu khai mạc, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030. Một trong các mục tiêu quan trọng của Đề án là phấn đấu tới năm 2030 nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên hạng “Đầu tư”.

Sau hơn 2 năm triển khai Đề án, Việt Nam đã đạt được một số thành quả tích cực. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động tiêu cực năm 2022, các quốc gia trên thế giới đối mặt với những bất ổn, rủi ro và hệ quả từ xung đột địa chính trị, nhiều quốc gia bị các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hạ bậc, hạ triển vọng. Trong khi đó, Việt Nam nằm trong số vài nước trên toàn cầu được 2 tổ chức Moody’s và S&P nâng hệ số tín nhiệm quốc gia.

Việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch nâng hạng Việt Nam từ mức BB lên mức BB+ vào tháng 12/2023 sau khi tổ chức Moody’s và S&P nâng hạng Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 và BB lên BB+ trong năm 2022 đều có dấu ấn từ kết quả của việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường hệ thống tài chính – ngân hàng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đồng thời cũng là kết quả của việc các Bộ, ngành tích cực trao đổi, chia sẻ, cập nhật thông tin với các tỏ chức xếp hạng tín nhiệm củng cố tài khóa và kiểm soát nợ công của Việt Nam.

Với kết quả nêu trên, hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam theo thang điểm của S&P và Fitch chỉ còn cách định mức “Đầu tư” 1 bậc; theo thang điểm của Moody’s cách 2 bậc, giúp Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu đạt định mức “Đầu tư” vào năm 2030 đề ra tại Đề án.

Theo ông Trương Hùng Long, việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia có ý nghĩa quan trọng, tạo hiệu ứng lan toả cho toàn bộ nền kinh tế. Một mặt góp phần nâng cao uy tín của quốc gia, mặt khác gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, cải thiện chi phí huy động vốn nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi dành cho Việt Nam đang giảm dần.

“Tại Tọa đàm này, chúng tôi rất mong các quý vị đại biểu sẽ thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm từ vị trí công tác của mình để góp phần làm phong phú thêm thực tiễn xếp hạng tín nhiệm và quan hệ nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy hơn nữa hiệu quả, chất lượng của hai nhiệm vụ quan trọng này.”- Ông Trương Hùng Long kỳ vọng.

Theo ông Arne Fraemk, Trưởng Dự án Tăng cường quản lý tài chính công thuộc Chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh của GIZ Việt Nam, trong bối cảnh nguồn vốn ODA ưu đãi giảm dần, song Việt Nam cần nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án trọng điểm, việc huy động và quản lý nợ công cần phải hiệu quả hơn để thích ứng với sự cạnh tranh của thị trường. Trước những lo ngại ngày càng gia tăng về rủi ro nợ công, chi phí vay cao, căng thẳng địa chính trị, việc tăng cường quan hệ với nhà đầu tư càng trở nên cần thiết với các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Chính phủ có thể hưởng lợi ích lớn từ việc thường xuyên tiếp xúc với các nhà đầu tư chủ chốt và nâng cao mức độ minh bạch trong việc công bố và báo cáo dữ liệu.
Ông Arne Fraemk, Trưởng Dự án Tăng cường quản lý tài chính công thuộc Chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh của GIZ Việt Nam

Việt Nam đã đặt ra mục tiêu xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030 theo Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030 để tăng cường uy tín trên toàn cầu để giảm chi phí vay nợ. Dự án tăng cường quản lý tài chính công của GIZ với sự tài trợ của Chính phủ Đức và Liên minh Châu Âu đang triển khai các hoạt động đóng góp vào lộ trình này của Việt Nam.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia quốc tế, đại diện ngân hàng tư vấn, các doanh nghiệp trong nước đã dành thời gian thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về công tác xếp hạng tín nhiệm và quan hệ nhà đầu tư, từ đó, đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam về hai nội dung này.

Theo ông Karby Leggett, Ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam là một trong hai quốc gia Châu Á duy nhất được nâng hạng trong năm 2023; được thúc đẩy bởi kỳ vọng về nền kinh tế vĩ mô mạnh mẽ trong trung hạn. Triển vọng kinh tế và tình hình tài khóa của Việt Nam tương đương với các quốc gia được xếp hạng đầu tư trong khu vực, có khả năng cải thiện điểm số thể chế và vị thế dự trữ.
Ông Karby Leggett, Ngân hàng Standard Chartered

“Chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được định mức xếp hạng tín nhiệm theo mục tiêu đã đề ra vào năm 2030. Qua trao đổi với Chính phủ Việt Nam, tổ chức định mức xếp hạng tín nhiệm, từ các số liệu báo cáo của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam đạt được mục tiêu trước mốc năm 2030” - ông Karby Leggett nói.

Phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến cải thiện định mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia, đại diện Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, các yếu tố như tăng trưởng, cơ cấu nợ của quốc gia; dòng vốn FDI là những yếu tố quan trọng. Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn tăng trưởng cao kéo dài, đây là điều quan trọng để cải thiện hệ số xếp hạng tín nhiệm. Trong thời điểm diễn ra dịch covid-19, trong khi tất cả các nước láng giềng đều gặp cú sốc lớn, tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng kinh tế không bị âm, điều này đã tạo ra niềm tin về tốc độ tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam là hoàn toàn có thể đạt được. Cùng với đó, cơ cấu nợ giảm ổn định trong nhiều năm qua cũng tạo ra nhận định tích cực từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với Việt Nam. Hiện nay, dòng vốn FDI đang tiếp tục được đẩy mạnh vào Việt Nam; việc doanh nghiệp FDI tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam sau một thời gian hoạt động là những dấu hiệu tích cực cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư vào tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam….

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho rằng việc xếp hạng tín nhiệm có vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo tính minh bạch; thu hút vốn đầu tư; rút ngắn thời gian thẩm định của bên cho vay; cung cấp thông tin quan trọng để quản lý rủi ro tài chính hiệu quả; đánh giá độ tin cậy và khả năng trả nợ; tạo chuẩn mực quản lý tài chính; tăng cường uy tín trên thị trường tài chính.

Chia sẻ kinh nghiệm về công tác xếp hạng tín nhiệm tại EVN, đại diện EVN cho biết, đối với đánh giá hệ số tín nhiệm lần đầu, việc có một đơn vị tư vấn hỗ trợ là rất cần thiết. Mỗi công ty xếp hạng tín nhiệm có cách tiếp cận khác nhau, do đó, cần hiểu rõ cách thức tiếp cận của các công ty xếp hạng tín nhiệm để xây dựng cách tiếp cận phù hợp. Đồng thời, hiểu rõ những rủi ro và các yếu tố ảnh hưởng để chủ động chuẩn bị tài liệu, thông tin cung cấp phù hợp, kịp thời, nhất quán, chính xác. Trong quá trình thực hiện cần phải giữ mối quan hệ liên tục với công ty đánh giá xếp hạng tín nhiệm để chủ động cung cấp các thông tin trọng yếu ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Minh bạch thông tin góp phần nâng cao hoạt động quan hệ nhà đầu tư

Một nội dung quan trọng khác thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự Tọa đàm là quan hệ với nhà đầu tư.

Theo ông Karby Leggett - Ngân hàng Standard Chartered, các nhà đầu tư đều mong muốn tiếp cận các thông tin có chất lượng cao, có độ tin cậy và kịp thời.

Ông Karby Leggett khuyến nghị cần thiết lập cơ quan chuyên trách của Chính phủ về quan hệ nhà đầu tư. Cùng với đó, việc cung cấp thông tin bằng Tiếng Anh, cách thức trình bày, thông tin cập nhật và phản hồi với nhà đầu tư là điều vô cùng quan trọng.

Liên quan đến quan hệ nhà đầu tư trong quản lý nợ công, ông Juan Pradelli, chuyên gia của GIZ khuyến nghị nên thiết lập Văn phòng Quan hệ nhà đầu tư và chức năng quan hệ nhà đầu tư. “Thành lập Văn phòng Quan hệ nhà đầu tư là một tín hiệu tốt đối với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm rằng Chính phủ muốn duy trì mối quan hệ với nhà đầu tư, Chính phủ muốn tiếp tục phát hành trái phiếu ra thị trường trong và ngoài nước.”- Ông Juan Pradelli phân tích. Ông Juan Pradelli cũng cho rằng, sự minh bạch và công bố thông tin là cần thiết cho các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.
Tham dự Tọa đàm: Bộ Tài chính, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á, một số Bộ, ngành trung ương, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp trong nước.

Cần có nguyên tắc công bố lượng lớn dữ liệu kinh tế vĩ mô, thu nhập và tài chính để đảm bảo minh bạch và truyền đạt đến các bên tham gia thị trường. Dữ liệu và phân tích phải được lập bằng tiếng địa phương và tiếng nước ngoài. Cùng với đó, cần tăng cường hợp tác giữa Văn phòng quan hệ nhà đầu tư và các đơn vị khác trong Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, cơ quan thống kê để cải thiện tính khả dụng và phân tích dữ liệu.

Nguồn: Bộ Tài Chính
Tags: Tin Việt Nam

Đăng nhận xét

Bài viết liên quan