Thị trường chứng khoán là công cụ dự đoán kết quả bầu cử tổng thống Mỹ chính xác nhất
Diễn biến của chỉ số S&P 500 từ tháng 8 đến tháng 10 đã dự đoán chính xác kết quả mọi cuộc đua vào Nhà Trắng kể từ năm 1984 đến nay.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: MarketWatch). |
Sau cuộc tranh luận tổng thống giữa bà Kamala Harris và ông Donald Trump, công chúng đang đổ dồn sự chú ý vào kết quả của các cuộc khảo sát.
Nhiều cuộc khảo sát trên phạm vi toàn quốc cho thấy bà Harris đang chiếm ưu thế nhỏ trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Tờ New York Times cho biết bà đang dẫn trước với khả năng chiến thắng 49%, còn ông Trump là 47%.
Project FiveThirtyEight và ABC nhận định bà Harris có 47% khả năng đắc cử, cao hơn tỷ lệ của ông Trump là 44,3%. Trên Polymarket, thị trường dự đoán lớn nhất thế giới, bà Harris và ông Trump đang hòa nhau, mỗi người có 49% khả năng trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.
Tuy nhiên, theo tờ Fortune, người Mỹ có lẽ nên theo dõi thị trường chứng khoán nếu muốn biết ai sẽ chèo lái siêu cường này trong 4 năm tiếp theo.
Lịch sử cho thấy độ chính xác của các cuộc khảo sát không quá cao. Vào năm 2023, ông Nathaniel Rakich, nhà phân tích cấp cao của FiveThirtyEight đã tiến hành kiểm tra hàng trăm cuộc khảo sát bầu cử tại Mỹ kể từ năm 1998. Ông phát hiện rằng chúng chỉ dự đoán đúng người chiến thắng trong 78% số cuộc bầu cử. Vào năm 2022, tỷ lệ này còn giảm xuống 72%.
Song, diễn biến của chỉ số S&P 500 từ tháng 8 đến tháng 10 lại dự đoán chính xác ai chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử tổng thống kể từ năm 1984.
Trong những năm chỉ số blue-chip này tăng điểm trong giai đoạn nói trên, đảng cầm quyền luôn ca khúc khải hoàn. Ngược lại, khi S&P 500 sụt giảm trong giai đoạn trên thì nó luôn báo trước chiến thắng của phe đối thủ.
Giám đốc đầu tư John Lynch và nhà phân tích cấp cao Matthew Anderson của Comerica Bank đã đưa ra lời giải thích đơn giản cho sự tương quan giữa giá cổ phiếu và kết quả bầu cử.
Họ viết trong lưu ý ngày 11/9: “Diễn biến giá cổ phiếu phản ánh tâm lý chung về nền kinh tế. Khi cử tri hài lòng với hướng đi của nền kinh tế thì họ có xu hướng ủng hộ chính quyền hiện tại. Khi cử tri thấy bất mãn thì họ nhiều khả năng sẽ ủng hộ phe còn lại”.
Tỷ suất sinh lời mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong một năm trước cuộc bầu cử cũng có mức tương quan cao với chiến thắng của đảng cầm quyền. Tuy nhiên, hai ông Lynch và Anderson lưu ý chỉ tiêu này không phải lúc nào cũng là điềm báo cho thành công.
Chỉ số S&P 500 lần lượt đi lên 14,1% và 13,4% trong năm 1976 và 1980, nhưng đảng cầm quyền đã thất bại trong hai năm lạm phát cao đó.
Đăng nhận xét