Nhiều chủ đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn tại Quảng Ninh, Phú Quốc, Bình Định… báo lỗ hàng trăm tỷ trong nửa đầu năm 2024.
Loạt doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết có hoạt động trong mảng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vừa công bố một số chỉ tiêu tài chính nửa đầu năm 2024, theo dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Theo đó, quán quân lợi nhuận quý này thuộc về CTCP Flamingo Holding Group với khoản lãi sau thuế hơn 176 tỷ đồng, cao gấp 7 lần cùng kỳ. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư các dự án nghỉ dưỡng mang thương hiệu cùng tên như Flamingo Đại Lải (Vĩnh Phúc), Flamingo Cát Bà (Hải Phòng), Flamingo Hải Tiến (Thanh Hóa), Flamingo Linh Trường Khu B (Hoằng Hóa, Thanh Hóa)…
Tiếp theo, Công ty TNHH KN Cam Ranh ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 80 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.
KN Cam Ranh là công ty con của CTCP Đầu tư Kinh doanh Golf Long Thành và thuộc hệ sinh thái KN Investment Group của ông Lê Văn Kiểm. Doanh nghiệp là chủ đầu tư Khu đô thị phức hợp du lịch nghỉ dưỡng KN Paradise (Cam Ranh, Khánh Hòa) với tổng vốn đầu tư hơn 46.300 tỷ đồng. Đây là dự án được phép kinh doanh casino.
Một số doanh nghiệp khác ghi nhận tình hình kinh doanh kém khả quan. Trong đó, CTCP Bất động sản BIM (BIM Land) báo lỗ hơn 341 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 810 tỷ).
BIM Land là thành viên của Công ty TNHH Tập đoàn BIM (BIM Group). Doanh nghiệp này đang phát triển một số dự án tại Quảng Ninh và Phú Quốc như Khu nghỉ dưỡng InterContinental Residences Halong Bay, khu nghỉ dưỡng Park Hyatt Phu Quoc Residences (Bãi Trường, Phú Quốc), Phu Quoc Marina Square, Grand Bay Halong…
CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc ghi nhận khoản lỗ 306 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 832 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này chính là chủ đầu tư dự án Resort & Casino Corona Phú Quốc. Ngoài ra, doanh nghiệp này đang vận hành một số thương hiệu tại đảo Ngọc gồm: Vườn thú Vinpearl Safari, tổ hợp giải trí VinOasis cùng các khu nghỉ dưỡng như Vinpearl Resort & Golf, Vinpearl Resort & Spa, Discovery 1 - 2 và 3 tại TP Phú Quốc (Kiên Giang).
CTCP Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn lỗ sau thuế hơn 199 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, mức lỗ cùng kỳ chỉ gần 35 tỷ đồng. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư dự án MerryLand Quy Nhơn (Bình Định), với quy mô 695 ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên đến 57.000 tỷ đồng. Dự này được giới thiệu ra thị trường hồi tháng 3/2022.
Tương tự, CTCP Crystal Bay tiếp tục lỗ sau thuế gần 76 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đang đầu tư vào khá nhiều dự án du lịch nghĩ dưỡng tại các tỉnh miền Trung, có thể kể đến như: Ninh Chữ Sailing Bay (Ninh Thuận) với tổng vốn đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng; SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang (Ninh Thuận) vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng hay dự án Crystal Marina Bay (Khánh Hoà) với vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (thuộc Tập đoàn Geleximco) cũng lỗ hơn 34 tỷ đồng nửa đầu năm. Doanh nghiệp này được biết đến với vai trò là chủ đầu tư khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (Đồ Sơn, Hải Phòng) có quy mô 480 ha, vốn đầu tư dự kiến hơn 30.000 tỷ đồng.
Hay CTCP Tonkin Land - chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng Le Méridien Đà Nẵng báo lỗ triền miên. Công ty là chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng phức hợp Le Méridien Đà Nẵng (Le Méridien Resort & Spa Đà Nẵng) quy mô 2.600 tỷ. Dự án được doanh nghiệp hợp tác với Marriott International để phát triển.
Thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, tuy nhiên vẫn chưa thực sự khởi sắc. Báo cáo mới đây của DKRA cho biết thanh khoản thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn kém. Thị trường tiếp tục gặp nhiều khó khăn về thanh khoản lẫn khả năng tăng giá khi niềm tin của nhà đầu tư cũng như động thái phục hồi của phân khúc này vẫn còn rất thấp.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong quý II đã có tín hiệu tích cực hơn so với quý I. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, dù nguồn cung và lượng giao dịch ghi nhận tăng mạnh so với cùng kỳ.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, toàn thị trường ghi nhận 3.114 sản phẩm mở bán mới, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ, nhưng mới chỉ bằng 27% cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới trong đạt 58%, tương đương với 1.799 giao dịch. Song, 87% nguồn cung, 94% lượng giao dịch lại đến từ một dự án condotel ở Nha Trang.
Các chuyên gia VARS trước đó từng đưa ra dự báo, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng năm chỉ có thể xoay chuyển tình thế tốt nếu ngành du lịch đạt được kết quả ấn tượng. Nguồn cung sẽ có cơ hội được cải thiện, song số lượng là không nhiều, dự kiến tăng khoảng 20% so với năm 2023. Sản phẩm mới chủ yếu là các căn hộ du lịch ở những dự án quy mô lớn.
Trong bối cảnh đó, lực cầu đầu tư sẽ phục hồi nhưng với tốc độ chậm. Giao dịch tiếp tục trầm lắng và vẫn còn khoảng cách rất xa so với trước dịch. Đơn vị này dự báo lượng giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng sẽ chỉ có thể tăng khoảng 30% so với năm 2023.
Theo: VietnamBiz
Đăng nhận xét