Lại nóng chuyện đánh thuế bất động sản thứ hai

Câu chuyện này không mới, nhưng mỗi lần đề cập tới là lại tạo ý kiến trái chiều.


Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế bất động sản, trong đó có nội dung áp thuế đối với nhà ở thứ hai, nhà đất bỏ trống... Dự án luật này dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Thực tế, đề xuất đánh thuế đối với bất động sản thứ hai được Bộ Tài chính đưa ra từ năm 2009 và đến năm 2018, nội dung này được đưa vào dự án Luật Thuế tài sản.

Dự luật này được đưa ra bàn thảo tại nhiều kỳ họp Quốc hội và Nghị quyết số 18-NQ/TW ban hành tháng 6/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ “Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang...”.

Theo các chuyên gia, sắc thuế đánh vào bất động sản thứ hai sẽ có nhiều tác động đến thị trường: Hạn chế tình trạng đầu cơ; định hướng những nhà đầu tư thứ cấp vào khuôn khổ; tạo cơ hội tiếp cận nhà đất cho người có nhu cầu ở thực…

Khi đề cập đến nội dung này, một vị chuyên gia ví von với hình ảnh của một chiếc xe buýt có 50 chỗ, nhưng mỗi ngày chỉ chở 20 khách. Những chỗ tốt còn lại đã được những người có tiền đặt trước, dù không dùng tới. Kết quả, xe không chở hết công suất, trong khi cả dãy người xếp hàng dài mà không thể lên xe.

“Dù chỉ là ví von, nhưng nghịch lý này lại đang tồn tại trong lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam. Nhiều dự án, căn nhà mới xây nhưng vắng bóng người ở, trong khi người có nhu cầu ở thực lại không mua được. Tình trạng này không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, mà còn tạo ra bất công xã hội”, vị chuyên gia này nói và cho biết thêm, nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động đầu cơ và để giải quyết vấn đề này, ở nhiều quốc gia, ngoài chính sách phát triển nhà xã hội, họ đánh thuế cao lên bất động sản thứ hai và những căn nhà tiếp theo.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp này là phi thị trường, bởi hoạt động đầu tư là một hoạt động tất yếu của bất cứ thị trường, lĩnh vực nào. Do đó, thay vì dùng rào cản thuế, cơ quan chức năng cần tập trung vào giải pháp tăng nguồn cung để bình ổn giá…

“Nếu càng đánh thuế bất động sản cao thì giá nhà đất sẽ càng tăng, từ đó càng tạo áp lực lên người thu nhập thấp. Bởi ở góc độ đầu tư - kinh doanh, không ai bị đóng thêm thuế mà lại đi giảm giá thuê hay giá bán nhà. Ngược lại, còn cộng hết vào giá bán hoặc chi phí cho thuê để gỡ vốn”, anh Tăng Phúc - nhà đầu tư bất động sản tại TP. Thủ Đức nói.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cũng cho rằng, công cụ thuế sẽ không phát huy được hết tác dụng nếu nguồn cung trên thị trường tiếp tục khan hiếm.

Ở nhiều quốc gia phát triển, việc đóng thuế tài sản không đồng nghĩa với việc chặn được tình trạng đầu cơ và giá nhà tăng. Chẳng hạn, tại Singapore, thuế tài sản ở mức cao, nhưng khi nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu thì giá bất động sản vẫn tăng. Vì vậy, nếu siết thuế một cách cào bằng thì sẽ khó duy trì được tác động tích cực trong dài hạn.

Thực tế, bất cứ sự thay đổi chính sách nào cũng sẽ có một nhóm hưởng lợi và một nhóm bị ảnh hưởng. Vì vậy, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, theo chuyên gia Batdongsan.com.vn, mức thuế nên được tính theo giá trị thị trường thay vì số lượng sở hữu.

Cụ thể là tỷ lệ tính thuế vào căn hộ chung cư 2-3 tỷ đồng phải thấp hơn các bất động sản có giá trị 20-30 tỷ đồng. Điều này sẽ khuyến khích nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền vào các loại hình nhà ở có mức giá phù hợp với số đông.

Ngoài ra, chính sách thuế cũng cần có sự linh hoạt nhằm khuyến khích hoặc hạn chế một số hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản nhất định. Ví dụ, thuế bất động sản khu vực nội đô các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cần cao hơn so với các khu vực ngoại thành hay vùng lân cận. Khi đó, giá nhà đất vùng ven sẽ thấp hơn khu vực trung tâm, góp phần giãn dân đô thị…

Theo: tinnhanhchungkhoan.vn
Tags: Tin Việt Nam

Đăng nhận xét

Bài viết liên quan