Chỉ số P/B là gì?
Chỉ số P/B (viết tắt của Price to Book Value Ratio) là một chỉ số tài chính đánh giá mối quan hệ giữa Giá thị trường của cổ phiếu đang cao gấp bao nhiêu lần so với giá trị ghi sổ (book value) của doanh nghiệp?
Ví dụ: Chỉ số P/B của Ngân hàng quân đội (Mã: MBB) là 1.06.
Điều này có nghĩa là nhà đầu tư đang chấp nhận trả giá cao gấp 1.43 lần giá trị sổ sách của MBB để sở hữu cổ phiếu này.
Cách tính chỉ số P/B
Chỉ số P/B được tính toán theo công thức:
P/B = Giá thị trường (Price) / Giá trị sổ sách của 1 cổ phiếu (Book Value per Share)
Trong đó:
- Giá trị sổ sách (kế toán) thể hiện giá trị tài sản (hữu hình) của doanh nghiệp là bao nhiêu, nếu doanh nghiệp ngay lập tức dừng hoạt động. Được xác định bằng công thức:
(1) Giá trị ghi sổ trên 1 cổ phiếu = (Tổng giá trị tài sản – Giá trị tài sản vô hình – Nợ phải trả) / Số lượng cổ phiếu lưu hành
Tuy nhiên, để đơn giản, chúng ta thường tính bằng:
(2) Giá trị ghi sổ trên 1 cổ phiếu = Vốn chủ sở hữu / Số lượng cổ phiếu lưu hành
Ví dụ tính chỉ số P/B của VNM
Để tự tính toán chỉ số P/B của cổ phiếu VNM bạn sẽ cần biết:
- Giá cổ phiếu hiện tại: 74,700 (vnd/CP)
- Xác định giá trị sổ sách, bạn sẽ lấy thông tin trên Báo cáo tài chính (BCTC) 2022 mà doanh nghiệp đã công bố.
Theo đó, Vốn chủ sở hữu cuối năm 2022 của VNM = 32,816.52 tỷ đồng.
Với số lượng cổ phiếu đang lưu hành là 2.09 tỷ cổ phiếu.
Giá trị sổ sách hiện tại của VNM = 32,816.52 (tỷ đồng) / 2.09 (tỷ cổ phiếu) = 15,702 (vnđ/CP)
Khi đó, chỉ số P/B của VNM = 74,700 / 15,702 = 4.76
Xem nhanh chỉ số P/B ở đâu?
Thực tế bạn KHÔNG CẦN phải tự tính toán chỉ số này!
Vì bạn hoàn toàn có thể xem nhanh chỉ số P/B của doanh nghiệp ngay trên tảng app tài chính hoặc web như: CafeF, Vietstock, ...
|
Chỉ số P/B của VNM trên trang Vietstock |
Khi nào thì bạn nên sử dụng chỉ số P/B?
Giá trị sổ sách phản ánh giá trị hữu hình của doanh nghiệp, nhưng lại là một yếu tố cấu thành lên chỉ số P/B…
…do đó chỉ số này sẽ phù hợp khi bạn đang xem xét, đánh giá những doanh nghiệp đã “trưởng thành”, những doanh nghiệp đang sở hữu nhiều tài sản hữu hình (như nhóm sản xuất, công nghiệp…).
Thậm chí, chỉ số còn đặc biệt hữu ích khi áp dụng với cổ phiếu ngân hàng (sẽ được Simplize nói chi tiết hơn ở phía dưới).
Chỉ số này sẽ KHÔNG phù hợp với những công ty có tài sản vô hình lớn (như các công ty phần mềm).
Chỉ số P/B là một công cụ hữu ích giúp nhà đầu tư có thể tìm thấy các cổ phiếu đang bị định giá thấp trên thị trường
Chỉ số P/B bao nhiêu được xem là “hấp dẫn”?
KHÓ có thể khẳng định chỉ số P/B cụ thể bao nhiêu thì được coi là “hấp dẫn”!?!
Bởi “tiêu chuẩn” cho P/B sẽ thay đổi theo từng ngành nghề kinh doanh, ở từng lĩnh vực cụ thể.
Bạn sẽ cần so sánh chỉ số P/B với các doanh nghiệp khác cùng ngành, so với mức trung bình ngành, hoặc so sánh với chính nó trong “quá khứ”.
Thông thường, chỉ số P/B càng thấp càng tốt.
Thậm chí, chỉ số P/B < 1 còn được xem là hấp dẫn, là dấu hiệu tiềm năng cho thấy cổ phiếu của doanh nghiệp đang bị định giá thấp.
Tuy nhiên…
Đôi khi chỉ số P/B thấp có thể là do thị trường đánh giá Giá trị thực tế THẤP HƠN nhiều so với Giá trị sổ sách của doanh nghiệp. Vì thế, họ chỉ chấp nhận 1 mức giá thấp hơn cho giá trị sổ sách.
Ngược lại…
1 doanh nghiệp có chỉ số P/B ở mức cao (cao hơn mức trung bình ngành, chẳng hạn) thì CHƯA HẲN ĐÃ XẤU!?!
Điều này chỉ ra rằng nhà đầu tư kỳ vọng vào triển vọng phát triển của doanh nghiệp sẽ làm gia tăng giá trị sổ sách trong tương lai, hoặc doanh nghiệp đang nắm giữ tài sản “ngầm có giá trị lớn”…
…nên họ sẵn sàng trả 1 mức giá cao hơn (cao hơn mức giá trung bình trả cho các doanh nghiệp khác cùng ngành) cho giá trị sổ sách của doanh nghiệp đó.
Khi mua cổ phiếu có chỉ số P/B cao, hãy chắc chắn rằng doanh nghiệp đó đang phát triển và có chất lượng tốt!
Ưu điểm và hạn chế của chỉ số P/B
Ưu điểm
- Giá trị sổ sách luôn dương (> 0), vì thế chỉ số P/B được sử dụng để định giá những doanh nghiệp đang thua lỗ (điều mà chỉ số P/E không làm được).
- Giá trị sổ sách có tính ổn định cao hơn EPS. Do đó, trong nhiều trường hợp, khi EPS biến động quá lớn, thì việc sử dụng chỉ số P/B để đánh giá cổ phiếu sẽ hiệu quả hơn.
Hạn chế
- Giá trị sổ sách chỉ phản ánh được giá trị tài sản hữu hình của doanh nghiệp, mà không tính đến nhóm tài sản vô hình như: thương hiệu, nhãn hiệu, uy tín, bằng sáng chế…
Đây là 1 lợi thế cạnh tranh vô hình nhưng lại có sức mạnh vô cùng lớn của doanh nghiệp. Góp phần giúp doanh nghiệp có được 1 biên lợi nhuận ở mức cao (cao hơn trung bình ngành) và có thể duy trì vị thế đó trong một thời gian dài.
- Giá trị sổ sách (kế toán) có thể chưa phản ánh đúng giá trị thị trường của tài sản.
Ví dụ 1 doanh nghiệp sở hữu 1 mảnh đất từ 5 năm trước. Hiện tại giá trị mảnh đất đã tăng gấp nhiều lần. Tuy nhiên, giá trị mảnh đất ghi nhận trên BCTC sẽ vẫn chỉ là “giá gốc ban đầu” của mảnh đất đó mà thôi.
Như vậy, trong nhiều trường hợp, chúng ta sẽ dễ bị “đánh lừa” nếu chỉ sử dụng duy nhất chỉ số P/B để đánh giá.
Theo: Simplize
Đăng nhận xét